Tự hào tiếp bước cha anh
Có mặt tại Nhà văn hóa huyện Vũ Thư-địa điểm tổ chức lễ giao nhận quân của huyện sáng 9-2, chúng tôi được chứng kiến không khí trang nghiêm song cũng hết sức rộn ràng của ngày hội tòng quân; được nhìn thấy những khuôn mặt rạng ngời của các thanh niên lần đầu khoác trên mình bộ quân phục mới… Trong bộ quân phục chiến sĩ Hải quân, chiến sĩ mới Đỗ Đại Quyết, 18 tuổi, trú tại xã Tam Quang (huyện Vũ Thư), không giấu được tự hào khi tâm sự: “Được nhập ngũ vào Lữ đoàn 147 Hải quân, góp sức bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là niềm tự hào của riêng em mà của cả gia đình”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bố của Quyết là cựu chiến binh; anh trai của Quyết cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Truyền thống của quê hương, của gia đình đã thôi thúc Quyết quyết tâm vào “trường học lớn” quân đội.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ động viên thanh niên quê lúa Thái Bình lên đường nhập ngũ.
“Quê lúa” Thái Bình là địa phương giàu truyền thống cách mạng, là cái nôi của phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Điều này tôi không chỉ được biết qua sử sách mà còn thấy hiển hiện ngày hôm nay trong mỗi con người nơi đây. Bà Lê Thị Vũ (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư), tuy đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn cùng gia đình dậy từ 4 giờ sáng, vượt hơn 15 ki-lô-mét bằng xe gắn máy đến động viên, chia tay cháu trai là Lê Văn Sáng nhập ngũ. Bà Vũ cho biết, cháu Sáng đang học nghề lái xe trong TP Hồ Chí Minh, là con trai cả trong gia đình nhưng khi được gọi về khám sức khỏe là cả gia đình, họ hàng động viên cháu “về ngay” để rồi ngày hôm nay trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì theo bà, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là quyền lợi của mỗi công dân đối với Tổ quốc.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ ân cần xuống từng hàng quân thăm hỏi, động viên, tặng hoa cho các chiến sĩ mới. Chiến sĩ Phạm Đức Tiến (thị trấn Vũ Thư) thay mặt 445 thanh niên của huyện Vũ Thư lên đường nhập ngũ hứa với đồng chí Thượng tướng; với đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện sẽ không ngừng học tập rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phạm Đức Tiến cho biết thêm, tuy đang có việc làm ổn định tại Công ty điện tử Ngũ Lập với thu nhập khá nhưng khi được gọi nhập ngũ là vui vẻ lên đường. Theo Tiến, đó là kết quả của công tác giáo dục, tuyên truyền, đồng thời cũng do địa phương làm tốt công tác hậu phương quân đội, được quân đội cấp thẻ học nghề khi hoàn thành nghĩa vụ…
Giải quyết khó khăn về nguồn
Trao đổi nhanh với Đại tá Bùi Trung Chuyển, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thái Bình chúng tôi được biết: Đến 10 giờ sáng ngày 9-2, các địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc giao, nhận quân với 100% chỉ tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Cũng theo Đại tá Bùi Trung Chuyển, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển quân của Thái Bình là nguồn giảm trong khi chỉ tiêu giao quân hằng năm không giảm. Theo thống kê, đợt 1-2012, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 18.000 thanh niên (chiếm gần 45%) trong độ tuổi nhập ngũ thuộc diễn miễn, hoãn. Tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa cao (có xã lên đến 70-80%), gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển quân. Để giải quyết khó khăn này, theo Thượng tá Mai Văn Quang, Trưởng ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh, các địa phương chủ động làm tốt công tác nắm và quản lý nguồn; tăng cường giáo dục, tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự; làm tốt công tác hậu phương quân đội…
Thượng tá Vũ Xuân Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vũ Thư chia sẻ: Hội đồng NVQS các cấp tổ chức nắm nguồn chặt chẽ theo phương châm “đến từng nhà, rà từng người”, tránh tình trạng nắm nguồn “trên giấy”. Đối với thanh niên đi làm ăn xa, cơ quan quân sự phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự đến từng thanh niên, tổ chức cho gia đình và thanh niên ký cam kết có mặt tại địa phương để khám tuyển đúng thời gian khi có yêu cầu, đồng thời nắm chắc địa chỉ nơi làm việc của thanh niên để trực tiếp liên hệ khi cần…
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân, tỉnh Thái Bình chú trọng công tác hậu phương quân đội. Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, động viên về tinh thần, tỉnh còn trích hơn 6 tỷ đồng tặng quà cho thanh niên nhập ngũ. Cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương coi công tác tuyển quân là một chỉ tiêu thi đua, là tiêu chí đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Tỉnh chủ trương gắn thực hiện nhiệm vụ tuyển quân với xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp phân công từng thành viên phụ trách, bám sát địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh.
Rút kinh nghiệm năm 2011 còn xảy ra tình trạng bù đổi do sức khỏe, năm 2012, việc tổ chức khám sức khỏe được các địa phương đặc biệt quan tâm. Bên cạnh tăng cường bác sĩ, y tá có trình độ, kinh nghiệm cho các hội đồng khám sức khỏe, các địa phương đã đầu tư nhiều máy móc, phương tiện phục vụ quá trình khám như máy điện tim, máy soi mắt…
Phương Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét